Tích hợp nội dung giáo dục quyền con người, quyền trẻ em.

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI CHO TRẺ MẦM NON

Kính thưa các bậc phụ huynh:

– Quyền con người hay nhân quyền: đó là quyền cơ bản thuộc về mỗi người Quyền con người dựa trên nguyên tắc mỗi người sinh ra bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi.

Quyền con người đã được quy định trong các văn bản pháp lý khác nhau ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia. Đối với lĩnh vực GDMN, nói đến nhân quyền đó chính là quyền trẻ em.

Vì là đối tượng dễ bị tổn thương nên trẻ em cần có những quyền cụ thể, thể hiện qua 4 nhóm quyền:

+ Quyền được sống còn;

+  Quyền được bảo vệ

+ Quyền được phát triển

+ Quyền được tham gia.

Quyền trẻ em nhằm đảm bảo rằng mỗi trẻ em đều được tạo cơ hội đạt được tiềm năng đầy đủ. Tất cả trẻ em – không phân biệt đối xử – phải có khả năng phát triển đầy đủ, được tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe, lớn lên trong một môi trường thích hợp, được thông báo về các quyền của mình và được tham gia tích cực vào xã hội.

– Quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng là công cụ để bảo vệ mọi người/trẻ em khỏi bạo lực và lạm dụng, thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau giữa mọi người/ mọi trẻ em, kích thích hành động có ý thức, có trách nhiệm để nhận biết và thực hiện quyền tự do của bản thân khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử, đồng thời, chấp nhận thái độ, hành vi tôn trọng, hòa nhập, không phân biệt đối xử với người khác.

– Giáo dục quyền con người là hoạt động có hướng đích của nhà giáo dục nhằm trang bị hệ thống kiến thức, thái độ, kỹ năng, hành vi cho con người nhằm thực thi quyền con người. Giáo dục quyền con người nhằm giúp mọi người hiểu quyền con người và nhận ra rằng mình có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và thúc đầy quyền của tất cả mọi người2. Như vậy, giáo dục quyền con người tập trung vào:

– Trang bị hệ thống kiến thức về quyền con người, nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

– Phát triển ý thức tôn trọng, bảo vệ quyền con người và thái độ tích cực trong việc ủng hộ, bảo vệ và thực thi trách nhiệm bảo vệ, thúc đẩy quyền con người.

– Phát triển hệ thống hành động tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người phù hợp với thực tiễn.

Nói khái quát hơn: Giáo dục quyền con người là giáo dục về và giáo dục cho việc phát triển văn hóa nhân quyền3.

*  Tầm quan trọng của quyền con người trong giáo dục mầm non

Việc giáo dục quyền trẻ em cho trẻ mầm non cũng đảm bảo rằng trẻ em biết những quyền của mình, tôn trọng quyền của trẻ em khác. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy sự tôn trọng quyền con người khi trẻ lớn lên. Giáo dục quyền trẻ em còn củng cố các hành vi tích cực liên quan đến sự phản ánh, phê phán và tăng cường ý thức trách nhiệm của trẻ, giúp phát triển lòng tự trọng và sự tham gia tích cực của trẻ vào hoạt động của nhóm, của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Nó cũng khuyến khích trẻ đồng cảm với người khác thông qua việc khuyến khích trẻ suy nghĩ về cách chúng tương tác với người khác và về cách chúng có thể thay đổi hành vi để phản ánh tốt hơn các giá trị của quyền con người. giáo dục quyền con người cho trẻ mầm non  là chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ em “nền móng” năng lực để tham gia vào việc xây dựng một thế giới không có vi phạm về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng một cách bền vững hơn.

  1. Nội dung giáo dục quyền con người cho trẻ mầm non

– Quyền được sống còn: Gồm các quyền liên quan tới điều kiện thiết yếu, cơ bản đảm bảo sự sống còn của trẻ như: dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, nhà ở, an toàn về tính mạng…

– Quyền được bảo vệ: Gồm các quyền liên quan tới quyền của trẻ em được bảo vệ: có họ tên và quốc tịch, được tôn trọng sự lựa chọn, riêng tư, giữ gìn bản sắc; không bị cách li với cha mẹ trừ khi cần thiết vì quyền lợi tốt nhất của trẻ em; chống lại mọi hình thức bỏ rơi, xao nhãng, lạm dụng, bóc lột, buôn bán trẻ em…

– Quyền được phát triển: Trẻ em phải được đảm bảo phát triển một cách đầy đủ theo đúng tiềm năng của trẻ.

– Quyền được tham gia: Trẻ em phải được tạo điều kiện đóng vai trò tích cực trong cộng đồng. Trẻ được tham gia, phát biểu về những vấn đề liên quan tới chúng; tự do biểu đạt; tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo; tiếp cận với thông tin phù hợp; hưởng đời sống văn hoá theo tôn giáo của mình và sử dụng ngôn ngữ riêng nếu là trẻ em thuộc những cộng đồng thiểu số hoặc bản địa.

Có thể điểm qua một số nội dung cơ bản của Luật Trẻ em năm 2016 như sau:

a) Trẻ em là người dưới 16 tuổi, bao gồm cả trẻ em là người Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cần được bảo vệ đặc biệt, đó là trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị mua bán, trẻ em di cư, lánh nạn…

b) Các quyền của trẻ em gồm 25 quyền (Mục 1, Chương 2), trong đó có các quyền cơ bản, đó là:

– Quyền sống: trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được đảm bảo tốt nhất các điều kiện sống và phát triển;

– Quyền được chăm sóc sức khỏe: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh;

– Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Trẻ em có quyền và bình đẳng về cơ hội được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân;

– Quyền được bí mật đời sống riêng tư: trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

– Quyền được sống chung với cha, mẹ: trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ, được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;

c) Quy định 3 cấp độ bảo vệ trẻ em: Cấp độ phòng, ngừa; cấp độ hỗ trợ; cấp độ can thiệp. Trong đó, cấp độ phòng ngừa là quan trọng nhất áp dụng với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em, trẻ em được ưu tiên bảo vệ tại gia đình, việc đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp tạm thời.

d) Quy định thông tin trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được bảo mật. Đưa ảnh trẻ em từ 7 tuổi lên mạng phải được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ và chính các em.

e) Quy định Tổng đài bảo vệ trẻ em là 111, hoạt động 24 h tất cả các ngày trong tuần với 8 nhiệm vụ chính, đó là:

– Tiếp nhận thông tin, lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin có liên quan đến bảo vệ trẻ em và báo cáo định kỳ, đột xuất cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em;

– Kiểm tra thông tin và chuyển thông tin này đến cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em;

– Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này;

– Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ…

g) Các quy định cụ thể về xử lý, phạt tù đối với hành vi xâm hại trẻ em: Ngược đãi trẻ em – phạt tù đến 5 năm; Hiếp dâm trẻ em dưới 10 tuổi – phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình; Buôn bán ma túy cho trẻ em – phạt tù từ 7-15 năm…

Trên đây là những nội dung cơ bản của Luật Trẻ em năm 2016 cho thấy đối với các đối tượng khác nhau cần lựa chọn các nội dung giáo dục khác nhau về quyền trẻ em: rất mong các bậc phụ hunh tham khảo để biết và vận dụng linh hoạt, hiệu quả Luật Trẻ em vào việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tương ứng với vai trò, vị trí, chức năng của họ, của tổ chức và phù hợp với thực tiễn nơi sinh sống. Và  trang bị cho trẻ hiểu được các quyền cơ bản của mình dưới hình thức phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ./.

Trân trọng kính chào !